Stress không phải là yếu tố nguy cơ trực tiếp của bệnh tim mạch, tuy nhiên nó đúng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống. 


Tập yoga là một biện pháp tốt để khắc phục tình trạng stress

Không như “sát thủ thầm lặng” tăng huyết áp có thể nhận biết qua trị số huyết áp, hay như tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu có thể biết được qua xét nghiệm nồng độ mỡ trong máu, hoặc bệnh đái tháo đường được nhận diện qua trị số đường huyết…, stress dường như là vô hình. Nó không hiện hữu rõ ràng khiến chúng ta nhiều khi không nhận ra mình đang mắc phải để có thể ứng phó kịp thời.

Tác hại của stress với tim mạch

Hệ thần kinh giao cảm của chúng ta có những cơ chế giúp cơ thể “phản ứng nhanh” với các tình huống được cảm nhận như là những tín hiệu nguy hiểm. Đằng sau những phản ứng của cơ thể và cảm xúc trước stress là vai trò của những nội tiết tố như adrenalin, noradrenalin, cortisol.

Các nội tiết tố này có tác dụng giúp cơ thể tập trung tối đa và phản ứng ngay lập tức với tình huống phải đối phó. Tim đập nhanh hơn, nhịp thở nhanh hơn để tăng cung cấp oxy; tay chân bị lạnh do các mạch máu ngoại biên co lại nhằm dồn máu cho các cơ quan quan trọng; cơ bắp căng cứng do ở trạng thái sẵn sàng phản ứng.

Tuy nhiên, nếu yếu tố gây stress quá mạnh hoặc kéo dài, nội tiết tố tiết ra quá mức có thể kìm nén hệ miễn dịch, làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, sức khỏe suy giảm, cơ thể gặp nhiều tác hại, hàng loạt bệnh cơ hội sẽ xuất hiện.

Hiện tại vẫn cần có thêm các nghiên cứu nhằm xác định rõ hơn vai trò của stress với bệnh tim mạch, nhưng stress đúng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành, căn bệnh được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh đó, stress có ảnh hưởng đến các hành vi và yếu tố đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đó là tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol máu, hút thuốc, ít vận động, ăn uống quá độ. Dùng rượu bia để “nâng chén tiêu sầu” hoặc hút thuốc lá để “gửi nỗi buồn trôi theo làn khói” là những yếu tố gây stress ngược lại cho cơ thể, làm tăng huyết áp và tổn hại thành mạch máu.

“Quẳng gánh lo đi...”

Stress còn góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tâm thần kinh (mất ngủ, nhức đầu, buồn phiền, cáu gắt, giảm trí nhớ…), bệnh tiêu hóa (viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, chán ăn…), bệnh xương khớp (đau lưng, đau khớp, co cứng cơ…), bệnh phụ khoa (rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết…), toàn thân (suy sụp, mệt mỏi…).

Ở thời buổi mà mọi người dường như sống nhanh, sống vội, dễ dàng bị cuốn theo vòng xoáy áp lực của cuộc sống, stress ẩn mình ở mọi nơi, mọi thời điểm và chỉ chờ có thời cơ là nhảy xổ ra khuấy động tâm hồn chúng ta, gây ra những tác hại cho sức khỏe.

Vì vậy cần tránh để bị stress, nếu không “sát thủ vô hình” này sẽ âm thầm, lặng lẽ, dần dần làm hao mòn sức khỏe và hệ tim mạch của chúng ta. Đừng để như sợi dây đàn căng quá mức, nếu không kịp thời điều chỉnh lại độ căng, nó sẽ bị đứt.

Có nhiều kỹ thuật giúp giảm stress, mỗi người cần tìm được phương pháp hữu ích, hiệu quả nhất với trường hợp của mình để áp dụng hằng ngày. Làm sao để kiểm soát được stress? Tập thể dục, chơi thể thao, có thái độ sống tích cực, không hút thuốc, không uống rượu bia, duy trì cân nặng lý tưởng, sống vui khỏe, ngủ đủ giấc, dành thời gian bên gia đình… là những phương thức hiệu quả giúp đương đầu với stress.

Cách thức chúng ta phản ứng với stress cũng rất quan trọng. Hầu hết chúng ta cho rằng áp lực gặp phải là do môi trường hoặc hoàn cảnh đem lại, nhưng mức độ stress chúng ta cảm nhận lớn hay nhỏ, trầm trọng hay nhẹ nhàng được quyết định phần lớn bởi phản ứng của chúng ta.

Khi không thích một kênh truyền hình nào đó, chúng ta sẽ chuyển kênh; khi trên đường gặp một vụ kẹt xe, chúng ta sẽ chọn đi tiếp nếu có thể hoặc quay lại tìm đường khác. Hãy xử lý tương tự như thế với stress. Hãy dừng lại, tách mình khỏi những rắc rối, quan sát và chọn lựa cách thức đối phó với những khó khăn, vấn đề đang gặp phải.  

Dùng thuốc không phải là biện pháp tốt. Một số người có thói quen dùng thuốc an thần để giúp vượt qua stress, tuy nhiên về lâu dài, tốt hơn là nên học cách khống chế stress qua việc biết cách thư giãn hoặc áp dụng các kỹ thuật kiểm soát stress. Tập yoga và thiền là hai phương pháp hữu ích, vừa tốt cho sức khỏe, vừa giúp cân bằng tâm lý, tự tin, yêu đời, tăng cường sức mạnh nội tâm để chiến đấu với áp lực bên ngoài.

(tuoitre.vn) 

BÌNH LUẬN ( )

 
Top